ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH TÂM BẤT ĐỘNG - THANH THẢN - AN LẠC - VÔ SỰ
Danh mục trang

TỔNG HỢP CÁC BÀI PHÁP

Niệm Phật không phải là pháp môn xả tâm

Chánh kiến, Đạo Phật


NIỆM PHẬT KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP MÔN XẢ TÂM

HỎI: Con nghe những người tu Tịnh Ðộ nói: “Niệm Phật cũng là phương pháp xả tâm”. Có phải như vậy không thưa Thầy? Những người tu Tịnh Ðộ dẫn chứng rằng, khi đang giận, buồn, tức một điều gì đó, thì cứ nhớ niệm Phật là cơn tức giận buồn lo sẽ biến mất. Những người tu Tịnh Ðộ còn cho biết: “Cứ niệm Phật mãi, niệm mãi” đến một ngày nào đó nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt.

ĐÁP: Niệm Phật là một phương pháp ức chế tâm, chứ không phải niệm Phật là phương pháp xả tâm. Nhưng mọi người đã hiểu lầm ức chế và xả tâm. Chính ngay những vị Thầy dạy về pháp môn Tịnh Ðộ họ cũng chẳng biết pháp môn đó là pháp môn ức chế tâm huống là những tín đồ. Vậy ức chế tâm như thế nào? Và xả tâm như thế nào? Ức chế tâm có nghĩa là nén tâm, chịu đựng, ép buộc, hay bắt buộc làm cho tâm không khởi niệm (vọng tưởng), v.v…

Pháp ức chế tâm gồm có: Niệm Phật A Di Ðà, niệm thần chú, biết vọng liền buông, chẳng niệm thiện niệm ác, chăn trâu, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Lục Diệu pháp môn, thiền Minh Sát tuệ, tham thoại đầu, tham công án, v.v… Những người tu Tịnh Ðộ hiểu lầm nên cho ví dụ: Khi đang giận, buồn, tức một điều gì đó thì cứ nhớ niệm Phật là cơn tức giận, buồn, lo sẽ biến mất. Ðó là cách thức ức chế tâm bằng câu niệm Phật mà người tu Tịnh Ðộ không biết, cho rằng xả tâm.

Tu theo Tịnh Ðộ như vậy dù một ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ hết tham, sân, si, chỉ vì ức chế tâm. Xả tâm có nghĩa là trước khi xả một niệm nào trong tâm, phải có sự tư duy suy nghĩ cho thấu đáo nghĩa lý của niệm đó, và còn phải biết áp dụng đức hạnh của giới luật vào niệm đó để chuyển hoá niệm. Sự chuyển hoá niệm gọi là xả tâm, cho nên đức Phật bảo: “Tri kiến ở đâu thì đức hạnh giới luật ở đó, đức hạnh giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh đức hạnh giới luật”.

Lời dạy trên đây là cách thức xả tâm rất tuyệt vời của kinh sách Nguyên Thuỷ, còn toàn bộ kinh sách phát triển đều dạy ức chế tâm, nên chẳng cần tư duy theo niệm, chỉ cố ức chế tâm vượt qua những lúc tâm giận hờn, phiền não mà thôi. Khi ức chế tâm, thấy tâm sân không còn tưởng là xả tâm, vì vậy tâm sân không bao giờ hết. Nếu bảo rằng niệm Phật xả tâm phiền não được, thì niệm Phật cũng xả được các cảm thọ, như khi bị bệnh đau nhức nơi thân thì niệm Phật phải hết đau. Hết đau sao người niệm Phật lại đi bác sĩ nằm nhà thương nhiều như vậy?

Các cảm thọ nơi thân là do bị bệnh đau nhức, đó là niệm thọ khổ của thân. Vậy niệm Phật có xả niệm thọ khổ của thân đó không? Hay lại phải đi bác sĩ, vào bệnh viện như trên đã nói.

Trong thân chúng ta có bốn chỗ để xả: 1- Thân; 2- Thọ; 3- Tâm; 4- Pháp. Nếu niệm Phật xả tâm được thì xả thân được; xả thân được thì xả thọ được; xả thọ được thì xả pháp được. Như vậy các bạn có làm được chưa? Nếu chưa làm được như vậy thì các bạn chỉ ức chế tâm mà thôi.

Trên đời ai nói gì cũng được, nhưng làm cho được thì không phải dễ, nhất là hiểu sai chữ nghĩa thì làm sao tu hành đúng được. Phải không các bạn?

Từ xưa đến nay người ta đã hiểu sai Phật pháp, nên chẳng có ai tu chứng làm chủ bốn sự đau khổ. Ðến giờ này các phật tử cũng còn hiểu sai là do các Thầy tổ khéo léo bưng bít che dậy, hướng dẫn một cách sai lầm.

Người ta không biết pháp môn Tịnh Ðộ là một pháp môn ảo tưởng, nên bị các thầy lừa đảo như câu nói này: “Cứ niệm Phật mãi, niệm mãi, đến một ngày nào đó nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt”. Theo lời dạy này thật là mơ hồ, trừu tượng, thiếu thực tế, không khoa học. Tôi xin hỏi các bạn, các bạn cứ thành thật trả lời. Vậy “vỡ ra” là vỡ ra cái gì? Tâm rỗng rang sáng suốt để làm gì? Những danh từ “vỡ ra” và “tâm rỗng rang sáng suốt”, là những danh từ của Thiền tông, mà Tịnh Ðộ tông đã chịu ảnh hưởng rồi vay mượn, chứ Tịnh Ðộ tông có biết vỡ ra là vỡ ra cái gì không? Như trên đã nói. Còn tâm rỗng rang là tâm như thế nào? Trong khi pháp môn Tịnh Ðộ dạy: “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Ðà Phật”. Vậy thì làm sao mà rỗng rang được, thật là phi lý, bắt chước mà không hiểu nghĩa, cũng giống như người mù rờ voi, cũng giống như người ăn bánh mà không biết mùi vị.

Tu hành với mục đích là phải làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết, chứ tu hành đâu phải mục đích để tâm rỗng rang sáng suốt. Tâm rỗng rang sáng suốt để làm gì? Pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn ảo tưởng, nên tu hành không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nên các tổ Tịnh Ðộ chỉ còn biết cầu nguyện:

“Cầu cho tôi chết biết ngày,
Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh
Cầu cho bệnh khổ khỏi mình”

Ðấy, các bạn có thấy những câu sám trên đây là một sự cầu nguyện và hy vọng, chứ không đủ niềm tin vào pháp niệm Phật của mình. Vậy mà bảo: “Niệm mãi, niệm mãi nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt”. Bắt chước Thiền tông nói một cách mơ hồ không thực tế.

Ngược lại, pháp môn Tứ Niệm Xứ của Phật giáo Nguyên Thủy rất thực tế, đẩy lui các sự khổ đau trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp: “Này các Tỳ kheo, ở đây này các Tỳ kheo, trú quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp nhục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỳ kheo, là Tỳ kheo chánh niệm”.

Ðoạn kinh trên đây, chứng tỏ đạo Phật có những phương pháp để khắc phục những sự khổ đau của đời người, chứ không phải cầu nguyện.

So sánh giữa hai pháp môn Tịnh Ðộ và Tứ Niệm Xứ, chúng ta thấy pháp môn niệm Phật của Ðại thừa giống như một người mù dẫn một số người mù đi, thật là nguy hiểm, tốn công sức, tốn của cải tài sản một cách vô ích. Chỉ sống trong ảo tưởng, mộng mơ, làm gì có sự làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Tóm lại, pháp môn Tịnh Ðộ là một pháp môn ảo tưởng, pháp môn mê tín, pháp môn lừa đảo.

(Trích sách Người Phật tử cần biết – Tập 2, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 93-98; 212-216)


PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Câu hỏi của Nhật Lý

HỎI: Kính bạch Thầy! Trước đây con có hành trì pháp môn NIỆM PHẬT nhưng khi biết đó là pháp ức chế tâm, con đã từ bỏ. Tuy nhiên con vẫn còn có một số thắc mắc về pháp môn này:

1/ Trong kinh Thập Thượng (Trường Bộ II, trang 663) Ngài Sariputa có dạy: Sáu pháp cần phải tu tập trong đó có pháp thường niệm Phật (tùy niệm Phật).

2/ Trong các kinh Tăng Chi- phần 1 pháp, phần 3 pháp, v.v.. đã ghi rõ niệm Phật đưa đến “nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn”. Vị Thánh đệ tử niệm Phật được “tịnh tín, hân hoan, đoạn tận phiền não”. Vậy pháp môn Niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy với pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông khác nhau như thế nào?

3/ Một vị Thượng Tọa ở Học Viện Phật Học TP HCM có giảng: “Người niệm Phật được nhất tâm bất loạn, khi chết được vãng sanh cực lạc Tây Phương, là vị A Na Hàm hay Trung Gian Bát Niết Bàn. Vì thế ở cảnh giới này vị ấy tu tiếp Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo để thể nhập Niết Bàn”.

4/ Một vị Thượng Tọa viết trong Thanh quy “Niệm Phật là chánh niệm”?

Kính thưa Thầy các luận giải này đúng sai như thế nào?

ĐÁP: Pháp môn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy và pháp môn niệm Phật trong kinh Tịnh Độ không giống nhau, vì pháp môn Tịnh Độ ức chế tâm (dùng câu niệm Phật tập trung tâm không loạn tưởng để được nhất tâm) ngược lại pháp môn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy là tâm tâm niệm niệm qua hạnh sống của đức Phật để tâm ly dục ly ác pháp, chứ không có niệm danh hiệu Phật như trong kinh Tịnh Độ.

Kinh Nguyên Thủy dạy: không những niệm Phật mà còn niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới. Thầy đã giảng trong kinh Tứ Bất Hoại Tịnh, vậy các con hãy đọc lại sẽ rõ nghĩa và cách thức tu tập.

Một vị Thượng Tọa ở Phật Học Viện TP HCM dạy: “Người niệm Phật được nhất tâm bất loạn khi chết được vãng sanh về cực lạc Tây phương”. Vị thượng tọa này chỉ giảng theo trong kinh Tịnh độ, chứ riêng bản thân vị thượng tọa cũng chẳng biết có được vãng sanh hay không?

Theo thiển nghĩ của Thầy, một nước Cực Lạc ở Tây phương là một nước thanh bình và rất vui, người dân ở đó tính tình phải hiền hậu không còn tham, sân, si, trái lại người thế gian niệm Phật được nhất tâm mà tính tình hung ác vẫn còn tâm tham, sân, si ngút ngàn, nếu được Phật A Di Đà rước về nước Cực Lạc thì nước Cực Lạc có còn Cực Lạc và thanh bình nữa không?

Các con cứ suy ngẫm, đừng để mình bị lừa đảo, đừng sống trong tưởng các con ạ! Phải sống trong thực tế, đừng mơ mộng ảo huyền, toàn thứ bánh vẽ, thật sự không ích lợi gì cho kiếp sống hiện tại của con người các con ạ!

Người giữ gìn giới luật nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, tâm thường ly dục ly ác pháp thì mới được nhập lưu (vào dòng Thánh), nghĩa là tâm người đó lìa được tâm tham, sân, si chứ chưa có đoạn được, nếu tâm được như vậy mới được dự vào dòng Thánh còn không được vậy mà gọi là đắc quả A Na Hàm thì không đúng. Pháp môn tu tập ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà chứng quả A Na Hàm thì thật là sống trong mơ, trong mộng.

Niệm Phật là Chánh niệm là một điều sai, niệm Phật chỉ mới tập tỉnh giác trong câu niệm Phật.

Tại sao quý vị lại không phân biệt được chánh niệm và tỉnh giác.

Chánh niệm là niệm thiện, còn tà niệm là niệm ác. Mười điều thiện là chánh niệm, mười điều ác là tà niệm.

Tỉnh giác là tỉnh thức, nhờ có thân hành niệm tâm tỉnh giác nơi hành động nội và ngoại của thân.

Tâm chú ý hành động niệm câu danh hiệu Phật là tâm tu tỉnh thức chứ chưa có chánh niệm, vì câu niệm Phật chẳng thiện chẳng ác thì không thể được gọi là chánh niệm vì chánh niệm của nó phải có đối tượng là tà niệm.

Ở đây chữ nghĩa còn hiểu sai thì thực hành làm sao đúng được. Do hiểu sai Thầy Tổ của chúng ta đời đời kiếp kiếp tu hành chẳng đi về đâu cả, thật uổng phí một đời người, có công tu hành, giống như dã tràng xe cát biển Đông.

Các con muốn tu theo đạo Phật thì phải nghiên cứu cho rõ ràng đừng vội vàng tin, hãy cân nhắc thận trọng như đức Phật đã dạy: “Chớ có tin… chớ có tin… mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình, cho người”.


Chia sẻ trang này

(Số lượt xem bài: 342)

THÔNG TIN

CHÁNH PHẬT PHÁP NGUYÊN THỦY

[ Trang bảo tồn sách và các bài pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc ]

Website: chanhphatphap.com/net/org

Email: [email protected]

___

* Nguồn tư liệu trong trang này được tổng hợp từ các trang liên kết chánh pháp trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc lời dạy của Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc.