
Phật giáo lấy giới luật làm đầu
Chơn Như, ngày 29 tháng 6 năm 1998
PHẬT GIÁO LẤY GIỚI LUẬT LÀM ĐẦU
Diệu Quang vấn đạo
HỎI: Kính bạch Thầy! Tại sao Phật giáo lấy giới luật là pháp môn đầu tiên để tu tập? Không lấy Thiền định và trí tuệ tu tập trước như các nhà Đại Thừa (Bắc tông) và Thiền tông?
ĐÁP: Đạo Phật thấu suốt được lý nhân quả, nên tất cả giáo pháp của mình đều được xây dựng trên nền tảng thiện pháp (Sơ thiện, trung thiện và hậu thiện).
Giới luật của Phật gồm có: Giới bổn, giới đức, giới hạnh, giới tuệ và giới hành.
Nói đến giới, tức là nói đến thiện, nói đến thiện tức là nói đến sự an vui, thanh thản của tâm hồn, mà đã an vui thanh thản của tâm hồn là giải thoát khổ cuộc đời.
Muốn được an vui, thanh thản của cuộc đời, không gì hơn là phải sống đúng giới luật.
Nhờ giới luật mà tâm mới ly được ác pháp và lòng ham muốn của mình. Tâm ly được ác pháp và lòng ham muốn thì tâm trong sạch và thanh tịnh. Do tâm trong sạch và thanh tịnh, tức là Thiền định. Vì thế, đức Phật dạy: “Giới sanh định”. Khi tâm đã có định, định là một sự nghỉ ngơi thân và tâm. Do sự nghỉ ngơi này tâm được lóng sáng. Tâm được lóng sáng nên tâm rất sáng suốt không còn bị kiến chấp, ngã chấp, thấy suốt lậu hoặc của con người là khổ.
Vì sự thấu suốt này khiến cho hành giả giải thoát ra khỏi tâm lậu hoặc.
Vì thế đức Phật dạy “định sanh tuệ” là vậy.
Cho nên, trong Tứ Thánh Định, đức Phật dạy rằng: “Ly dục ly ác pháp nhập Sơ thiền do ly dục sanh hỷ lạc”.
Khi nào tâm định trên thân, thân định trên tâm thì hướng đến Tam minh sẽ thấu rõ:
1- Túc mạng minh.
2- Thiên nhãn minh.
3- Lậu tận minh.
Ba minh này đã viên mãn tức là trí tuệ giải thoát của Đạo Phật hiển hiện, hành giả sẽ hoàn toàn giải thoát, “làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi”.
Ngược lại Đạo Phật Đại Thừa Bắc Tông và Thiền Tông lấy kiến thức học tập làm trí tuệ (sự hiểu biết), lấy ức chế tâm làm Thiền định, còn giới luật thì không cần giữ gìn nên đức hạnh của một vị Tỳ kheo tăng và Tỳ kheo ni không có.
Cuộc sống của tu sĩ, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, danh lợi giống như người thế gian.
—o0o—
HỎI: Kính bạch Thầy! Theo chỗ con hiểu, thời nay người tu sĩ lấy sự hiểu biết tu trước (tuệ), kế đó tu định hoặc tuệ định song tu (Thiền giáo đồng hành). Họ nghĩ rằng tu như vậy, tâm lần lần thanh tịnh, đạt sự giải thoát hoàn toàn thì chừng đó giới luật không giữ mà giới luật nghiêm túc. Có phải vậy không thưa Thầy?
ĐÁP: Điều con hiểu rất đúng, nhưng kết quả đi ngược lại, tâm dục lạc thế gian đầy dẫy khéo che đậy mà thôi. Bản ngã to lớn thích tranh luận hơn thua, tìm mọi cách đánh lạc hướng, khiến cho tín đồ không phân biệt đâu là chánh pháp của Phật.
Đưa ra nhiều luận giải của tưởng pháp tạo hình ảnh trừu tượng (tâm phủ trùm vạn hữu), mê tín (phản bổn hoàn nguyên), cúng bái tụng niệm sám hối (lạc hậu).
Vì tu học “tuệ” trước nên thích bài bác chống đối, chỉ trích phê bình nói xấu kẻ khác, đó là nhược điểm của tu sĩ Phật giáo thời nay.