Khi các bạn chấp nhận tu hành theo thiền định của Đại Thừa và thiền Đông Độ, nếu có được kết quả cũng chỉ là đạt được định tưởng, tưởng tuệ. Định tưởng là loại thiền định không ly dục ly ác pháp nên các bạn không đoạn diệt được tâm tham, sân, si. Do đó, các bạn không đủ đạo lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Vì thế, các bạn nên nghiệm xét lại các bậc Tôn Túc Hòa Thượng, Thượng Tọa v.v.. thường bệnh đau đi bác sĩ, nằm bệnh viện... Trong định tưởng thường hay phát triển Tưởng tuệ. Tưởng tuệ là những trí tuệ hay tranh cãi lý luận hơn thua hay làm thơ văn siêu tưởng về Phật Tánh tuyệt vời. Do chỗ chứng thiền tưởng này mà các Thầy Đại Thừa và Thiền Tông thường hay xem giáo lý Nguyên Thủy là Tiểu Thừa, là ngoại đạo, cho rằng loại thiền Nguyên Thủy đó dạy người tu tập ly dục ly ác pháp là loại thiền phàm phu.
Do sự tu hành của các tu sĩ đời sau không đúng Chánh Pháp, chưa đạt kết quả đến nơi đến chốn, cho nên cứ dựa trên chữ nghĩa mà giải bằng tưởng tri thì làm sao hiểu đúng nghĩa chánh pháp để hành trì cho được! Phải không các bạn? Phật pháp không khó hiểu nhưng vì không có ngưới tu hành chứng đạo khai thị nên người ta hiểu sai nghĩa. Hiểu sai nghĩa nên rất khó tu. Vì hiểu sai nghĩa nên người ta nghĩ rằng Phật giáo là tôn giáo có thần thông pháp thuật cao siêu, chứ người ta đâu biết rằng Phật giáo chỉ ở chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; Phật giáo chỉ ở chỗ sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai; Phật giáo chỉ ở chỗ thiện pháp, vô lậu tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Những trạng thái tâm này là tâm buông xả ly dục ly ác pháp, là tâm không phóng dật.
Phật pháp không dối người, hễ tu thì thấy kết quả ngay liền: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy”. Chỉ có những người tu sai, tu tập theo sự suy nghĩ của mình, không theo kinh nghiệm của người tu tập đã xong, do căn cứ vào trình độ học thức có cấp bằng Cử nhân, Tiến sĩ… rồi tự cho mình có thể thông suốt khi đọc trong kinh sách Phật. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng: những nhà học giả xưa nay đã làm một việc rất sai lệch: chưa tu chứng, không hiểu đúng được những lời dạy của đức Phật, chỉ tìm hiểu nghĩa lý chữ nghĩa qua kiến giải, tưởng giải của mình, rồi áp dụng vào sự tu tập thì thật là điên đảo. Phần đông những người tu theo kiến giải này đều rơi vào pháp ức chế tâm như chúng tôi đã nói.
Giới luật là thiện pháp, giới luật là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai và khổ chúng sanh; giới luật là một vị Thầy đức độ đầy đủ, một vị Đạo Sư của mọi người. Giới luật giúp cho con người vượt thoát ra khỏi sông mê biển khổ của cuộc đời. Giới luật còn là một người hướng đạo tốt dẫn đường, dắt lối chúng ta đến bờ giải thoát. Giới luật còn là Phật giáo còn, Giới luật mất là Phật giáo mất. Cho nên, đức Phật dạy: “Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật".
Phật dạy chúng ta tu Thập Thiện cốt là tạo nhân duyên, có đầy đủ phước báo để đời này được an vui, và kiếp sau cũng được giàu sang, sung sướng, thỏa mãn mọi nhu cầu của thế gian. Thập Thiện có ích lợi như vậy, nên ai có đủ duyên nghe Thập Thiện, được thấy Thập Thiện mà không chịu thực hành Thập Thiện, luống để cuộc đời đen tối và khổ đau, thật uổng phí vô cùng. Có kho báu không chịu đem ra dùng, mà đi chấp nhận “một đời lang thang, làm kẻ cùng tử” thì chúng ta quả là kẻ quá dại khờ.
Về Phật giáo có một số người lầm tưởng khi vào chùa đi tu là phải ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật sám hối nhiều, lúc chết để lại nhục thân hay xá lợi, được trực vãng Tây phương. Đó là một quan niệm đắc thiền, chứng đạo như vậy là sai lệch, là không đúng đường lối tu tập của Phật giáo. Nhiều khi họ còn hiểu sai lạc hơn nữa, cho rằng: Người đi tu theo Phật chứng đạo là phải có thần thông, là phải biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người; là phải biết biến hóa, tàng hình, làm mưa, làm gió; là phải biết đi trên hư không như chim bay, đi trên nước không chìm v.v..
Mục đích của đạo Phật ra đời là nhằm giải quyết bốn sự khổ của kiếp làm người, tức là giải quyết giúp tâm bất động, trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải đi tìm một “Phật tánh cao siêu tuyệt vời”. Vì thế, pháp môn của đạo Phật là pháp môn toàn thiện, mà pháp môn toàn thiện là pháp môn dạy đạo đức không làm khổ mình, khổ người, tức là đạo đức nhân quả. Quý vị đừng lầm đạo đức nhân quả của đạo Phật là đạo đức mê tín của kinh sách phát triển. Kinh sách phát triển đã từng xây dựng đạo đức nhân quả mê tín để lừa đảo và lường gạt những tín đồ nhẹ dạ mê tín, lạc hậu, u mê, v.v.. để biến thành một nghề “thầy tụng và phù thủy”.
Nếu cuộc sống hàng ngày không kiểm soát được và làm chủ được thân, miệng, ý của mình thì dù có ngồi thiền hai, ba tháng hoặc niệm Phật nhất tâm bất loạn bảy, tám ngày mà tâm tham, sân, si vẫn còn thì phỏng có ích lợi gì.
Thiền định của đạo Phật không khó mà khó là ở chỗ sống đúng Giới luật, Đức hạnh làm người không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Vì thế, khi mới vào đạo tu hành thì đức Phật dạy: “Năm giới” và thường nhắc nhở chúng ta: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc khuyên răn: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.
Tóm lại, người tu chứng là người biết dùng ái ngữ đúng lúc, đúng thời, đúng pháp, đúng người, chứ không phải lúc nào cũng dùng ái ngữ để trở thành những người vô minh không biết sai đúng, chỉ còn biết a dua, nịnh bợ, hèn nhát ve vãn vuốt đuôi để được gọi là "ái ngữ" dung hợp theo kiểu hòa đồng tôn giáo.
Lời nói thẳng nói mạnh của Thầy như những nhát búa chém mạnh vào những tà kiến của Đại Thừa và Thiền Tông, khiến cho ai kiến chấp nó, thì bị những nhát búa này chém thẳng vào đầu, nên phải la hét kêu gào trước khi tà kiến đó bị chết.
Muốn tín ngưỡng theo một tôn giáo nào thì các bạn phải tìm hiểu và nghiên cứu tôn giáo ấy cho tường tận, nếu giáo pháp của tôn giáo ấy là một chân lí của loài người thì các bạn nên tin theo và sống đúng những lời dạy ấy. Còn ngược lại là những giáo pháp của tôn giáo ấy xây dựng thế giới siêu hình lấy nhất thần hoặc đa thần làm chỗ tín ngưỡng, đó là những tôn giáo ảo tưởng, thiếu thực tế, không cụ thể. Giáo pháp không chỉ thẳng chân lí (sự thật) của con người thì các bạn cần nên xem xét lại đừng quá vội tin, nó không mang đến lợi ích thiết thực cho đời sống của các bạn mà còn truyền đạt những tư tưởng mê tín, dị đoan, trừu tượng, lạc hậu, biến các bạn trở thành những người cuồng tin, mê tín, mù quáng, lạc hậu,... biến các bạn trở thành những người tay sai, những người lính của tôn giáo ấy.
"Người đi tu mà không học là tu mù, người có học mà không tu như cái tủ đựng kinh sách". Người tu có học hiểu mà không thưa hỏi kinh nghiệm của thiện hữu tri thức, tự kiến giải, tự tu thì cũng giống như người đi lạc trong rừng sâu chẳng biết đường ra. Cho nên sự tu hành theo Phật giáo không thưa hỏi, không nghiên cứu thông suốt giáo pháp tu tập thì trăm ngàn người đều tu sai, tu không tới nơi tới chốn, tu vô ích. Tự kiến giải tu, đó là một điều sai. Tu tập chưa tới đâu, vội đem ra hướng dẫn người khác tu hành thì cũng giống như người mù dắt một bầy mù đi. Tất cả đều có thể sa hầm lọt hố và chết chùm nhau cả đám trong rừng sâu, trong biển cả, trong sa mạc v.v..
Đạo Phật nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân quả, nhân quả chỉ có tự lực mới dứt bỏ được mà thôi, dù cho có một đấng vạn năng cũng không giúp chúng ta vào việc này được.
Vì thế, đạo Phật là một tôn giáo mà phi tôn giáo; một tôn giáo không có đấng thiêng liêng vạn năng cứu khổ, một tôn giáo bằng sức tự lực của con người cứu mình ra mọi cảnh khổ, nên đạo Phật còn gọi là “Đạo Độc Cư, Độc Bộ, Độc Hành”.
Đạo Phật còn gọi là nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.
Linh hồn là một vấn đề cần phải được xác định làm sáng tỏ, để mọi người không còn tin một cách mù quáng, lạc hậu như từ xưa cho đến ngày nay. Linh hồn là một danh từ chỉ cho những trạng thái trừu tượng siêu hình thường xảy ra xung quanh đời sống của con người mà ý thức của con người không thể làm sao hiểu nổi.
Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây các nhà khoa học đã bỏ biết bao nhiêu thời gian và công sức nghiên cứu, truy tìm để xác định và trả lời cho mọi người biết “Linh hồn có hay là không?”. Nhưng đến ngày nay câu trả lời ấy vẫn còn là một ẩn số.
Chính vì tin có linh hồn nên con người đã trở thành những người mê tín mù quáng, hiểu biết không sâu sắc.
Khi tu tập làm chủ bốn sự đau khổ: sinh, già, bệnh, chết xong, chúng tôi có những ước nguyện muốn đem những kinh nghiệm tu hành này dựng lại Chánh pháp của đức Phật, để giúp cho mọi người tu tập không còn lọt vào tà pháp ngoại đạo. Đó cũng là làm sống lại con đường tu tập giải thoát mà từ lâu đã bị kinh sách Phát triển dìm mất. Chính đó là mục đích của chúng tôi và mọi người đang tu hành theo Phật giáo đều mong ước. Chứng đạt chân lí của Phật giáo là chứng đạt tâm Bất Động, chớ không phải chứng đạt một cái gì khác lạ như mọi người đã từng nghĩ tưởng: nào là Phật tánh; nào là thần thông, phép thuật, tàng hình, biến hóa; nào là phóng hào quang, bay lên trời hay xuống địa ngục, v.v.. Mà chính tâm Bất Động là tâm vô lậu. Tâm vô lậu tức là chứng quả A La Hán.
Phật giáo có đường lối tu tập riêng biệt không chịu ảnh hưởng bất cứ một giáo pháp nào của các tôn giáo khác. Vì thế, tất cả giáo pháp hiện có trong các kinh sách hiện có không có một pháp môn tu học nào như của Phật giáo. Bởi giáo pháp của Phật giáo là chân lý của loài người, nó không phải là triết lý suông hay tưởng giải của con người kiến giải viết ra, nên nó mang tính chất thiết thực cụ thể chớ không trừu tượng, mơ hồ, ảo tưởng, ảo giác, v.v.. như các giáo pháp ngoại đạo mà từ xưa tới nay chúng ta thường gặp rất nhiều, nhất là trong tam tạng kinh điển chữ Hán của Trung Quốc.