“Đạo Phật lấy thiện pháp chuyển nghiệp ác pháp như vậy làm sao có nghiệp khổ? Chỉ có quý Phật tử không tập sống như Phật, như Pháp, như Tăng nên tâm tính chưa hề thay đổi, tức là chưa sống thiện pháp mà lại sống trong mê tín lạc hậu, vì thế nghiệp làm sao chuyển đổi, do đó bệnh tật tai nạn thường xảy ra bản thân và gia đình.
Theo Phật giáo mà bản thân và gia đình không được bình an thì đó là theo ngoại đạo, vì theo ngoại đạo nên sống trong ác pháp nên không chuyển được nhân quả. Do không chuyển được nhân quả nên đời sống phải chịu nhiều khổ đau.
Cho nên, quý Phật tử nương theo Phật giáo là nương vào đức hạnh của Phật, của Pháp, của Tăng. Nương vào đức hạnh của Phật, của Pháp, của Tăng thì đời sống của quý vị phải được an vui hạnh phúc.
Chính quý Phật tử sống như Phật, như Pháp, như Tăng là quý vị đã tự thắp đuốc lên mà đi. Tự thắp đuốc lên mà đi đó là quý vị đã chuyển hoá nghiệp khổ đau của chính quý vị. Chuyển hoá nghiệp khổ đau của chính quý vị là quý vị đã giải thoát. Cho nên, bệnh tật tai nạn khổ đau không còn đến với quý vị nữa. Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy”. Đến để mà thấy tức là thấy sự bình an, sự yên vui, sự hạnh phúc trong tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.”