ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH TÂM BẤT ĐỘNG - THANH THẢN - AN LẠC - VÔ SỰ
Danh mục trang

TỔNG HỢP CÁC BÀI PHÁP

Người cư sĩ làm chủ sanh già bệnh chết được không?

Chánh kiến, Đạo Phật


LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

Câu hỏi của Minh Tông

HỎI: Kính thưa Thầy, người cư sĩ có quyết tâm tu tập đúng theo pháp của Phật đã dạy nhưng đời sống còn tại gia không xuất gia có thể làm chủ sanh, già, bệnh, chết được hay không?

ĐÁP: Đạo lộ của Phật đã vạch ra rất rõ ràng, có ba giai đoạn tu tập:

1- Giai đoạn tu tập cho người cư sĩ, thọ Tam quy ngũ giới, Thập thiện, sống và làm việc sống đúng đạo đức nhân quả.

2- Giai đoạn chuyển tiếp thọ Bát quan trai giới, tu tập tỉnh thức trong việc làm hằng ngày dùng tuệ tri nhân quả nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng để xả tâm. Đó là người cư sĩ tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời và giai đoạn này gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Thức”. Sự tu tập này trong những ngày thọ Bát quan trai.

3- Giai đoạn tu tập của người tu sĩ, ly gia, cắt ái, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định và Tam Minh. Với chiếc áo của người cư sĩ tu tập chỉ làm chủ được cuộc sống (sanh), chứ không thể làm chủ tự tại sống, chết và chấm dứt luân hồi được.

Làm chủ sanh, tức là làm chủ được cuộc sống, làm chủ được cuộc sống, tức là luôn luôn hành động thân, miệng, ý đều thiện không làm khổ mình, khổ người.

Người cư sĩ còn sống tại gia tu tập chỉ được tâm hồn thanh thản, an lạc mà thôi không thể đi xa hơn nữa được. Tuy đã xa lìa tham, sân, si, mạn, nghi nhưng chưa đoạn dứt và thất kiết sử còn trói buộc (7 sợi dây đang trói chặt và sai sử) chưa bứt ra được, nên khó mà tiến tới giải thoát hoàn toàn, tức là khó tiến vào thiền định sâu mầu.

Tuy mang hình thức người cư sĩ mà đời sống và tình cảm của người này phải sống y như người tu sĩ xuất gia, tức là sống đúng giới hạnh và giới đức của người ly gia cắt ái. Xa lìa các nghề nghiệp thế gian, không làm việc gì cả, nhờ người thân giúp đỡ ngày một bữa cơm, hằng ngày tinh tấn chuyên cần tu tập ba giai đoạn rốt ráo của đạo lộ mà đức Phật đã vạch ra (Bát Chánh Đạo) thì người cư sĩ này sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi như người tu sĩ xuất gia chân chánh.

Ngược lại, người tu sĩ vị Tỳ Kheo mang hình thức tu sĩ sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới tu tập theo pháp môn của ngoại đạo thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Tâm hồn của họ không được giải thoát, tính tình họ còn mang đầy tạp khí tham, sân, si, mạn, nghi chưa sạch. Người tu sĩ này không bằng người cư sĩ tại gia mà biết sống với trí tuệ nhân quả, biết ngăn ác diệt ác như trong kinh Tứ Chánh Cần đã dạy thì tâm hồn họ thanh thản, an lạc, vô sự hơn nhiều.

Người tu sĩ tu hành không đúng giáo pháp và giới luật của Phật, đã không được giải thoát mà còn mang nợ của đàn na thí chủ, ngàn kiếp muôn kiếp phải trả nợ áo cơm nhân quả mà chẳng biết chừng nào xong.

Các bạn hãy nhìn các ngôi chùa đồ sộ vĩ đại kia, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu tín đồ đóng góp, chừng nào các ngôi chùa kiên cố tàn rụi như đống tro tàn thì nợ đàn na thí chủ mới trả xong, nếu nó còn mãi với không gian và thời gian thì nợ kia cũng còn mãi với muôn đời muôn kiếp. Đừng hãnh diện rằng ngôi chùa kiên cố đồ sộ kia là công lao rất lớn của quý Thầy, mà là khối nợ vĩ đại của quý Thầy đấy, nó còn là nợ quý Thầy còn mãi, nó mất thì nợ quý Thầy mới mất. Bởi vậy người tu sĩ biết tu, biết xả theo đúng đạo lộ của đạo Phật thì rất sợ của đàn na thí chủ.

Nói như vậy, đạo Phật sẽ không còn có những gì trên thế gian này sao? Đối với đạo Phật nhìn các pháp trong thế gian này là vô thường nên không lưu lại những hình ảnh vật chất vô thường ấy, nó làm hao tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của loài người, đạo Phật chỉ lưu lại cho loài người “một tâm hồn cao thượng và đẹp đẽ, một đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh”.

Trên hành tinh này, nếu người có trí, có mắt, thì sẽ nhận xét thấy những gì còn lưu lại gọi là Phật giáo, thì không chính đó là của Phật giáo mà là của Bà La Môn giáo.

Chính các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, họ cũng đang lầm chính họ, họ tưởng họ là tu sĩ Phật giáo, nhưng sự thật họ là những tu sĩ Bà La Môn.

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật luôn luôn phải sống và làm việc với tinh thần đạo đức nhân quả giải thoát không làm khổ mình, khổ người, thì không cần gì phải có chùa to tháp lớn, phải có cảnh quang đẹp đẽ, u nhàn v.v.. Chỉ cần có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả chân thật của đạo Phật, thì đạo Phật vẫn sáng tỏ như ánh hào quang trên thế gian này mãi mãi muôn đời.

(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 5, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 186-190)


Ngày 03/05/1998

SỰ GIẢI THOÁT CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA

Diệu Tịnh vấn đạo

HỎI: Kính bạch Thầy, Thầy thường dạy chúng con muốn tu giải thoát không còn bị tái sanh luân hồi thì người tu sĩ phải đạt đến định Tứ Thiền, trí tuệ phải thể hiện Tam Minh thì mới đoạn đứt lậu hoặc, mới làm chủ được sự sống chết, mới chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.

Đối với người cư sĩ tại gia Thầy chỉ dạy 5 giới, sống đúng 10 điều thiện và thể hiện đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người cũng được giải thoát. Vậy hai trạng thái giải thoát này nó giống nhau và khác nhau như thế nào?

ĐÁP: Người cư sĩ giữ gìn năm giới, hành Thập thiện, sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả đó là giải thoát được tâm mình bằng thiện pháp, nên tâm hồn thanh thản, an lạc, lúc nào cũng yên vui, hạnh phúc nhưng không thể làm chủ được sự sống chết của thân. Người cư sĩ họ mới chỉ được ác pháp nhưng chưa lìa hết dục, vì thế khó mà nhập định được. Họ phải tu tập ở giai đoạn ly dục của vị Tỳ kheo thì mới nhập được các loại định.

Người cư sĩ chỉ giải thoát được các ác pháp nơi tâm, còn người tu sĩ thì giải thoát được thân tâm trọn vẹn.


Chia sẻ trang này

(Số lượt xem bài: 542)

THÔNG TIN

CHÁNH PHẬT PHÁP NGUYÊN THỦY

[ Trang bảo tồn sách và các bài pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc ]

Website: chanhphatphap.com/net/org

Email: [email protected]

___

* Nguồn tư liệu trong trang này được tổng hợp từ các trang liên kết chánh pháp trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc lời dạy của Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc.