ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH TÂM BẤT ĐỘNG - THANH THẢN - AN LẠC - VÔ SỰ
Danh mục trang

TỔNG HỢP CÁC BÀI PHÁP

Đức Phật Di Lặc

Chánh kiến, Đạo Phật


ĐỨC PHẬT DI LẶC

HỎI: Kính thưa Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ, đức Phật Di Lặc có thật hay không?

ĐÁP: Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một đức Phật tưởng tượng của các kinh sách phát triển Bà La Môn. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn giáo để cho phật tử hiểu rõ. Nếu bảo rằng quá khứ đã có bảy vị Phật thì khi đức Phật Thích Ca đi tu phải có đạo Phật, tại sao lại chỉ có lục sư ngoại đạo mà không có cái tên là Phật giáo?

Thật ra, mãi đến khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả. Nhờ mọi người hiểu biết cung kính và tôn trọng đức Phật nên dựng ra tôn giáo Phật giáo, bấy giờ chúng ta mới có tôn giáo mang tên là Phật giáo.

Thế mà kinh sách phát triển dám bảo quá khứ có bảy vị Phật, rồi gán cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói thì rất oan cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong kinh Tương Ưng đức Phật nói: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì Ta có nói láo trong Ta”.

Rồi về vị lai, các kinh sách phát triển sản xuất ra một người có tên là Từ Thị hiệu là Di Lặc, muốn tranh chức giáo chủ với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giống như các nhà vua phong kiến ở thế gian tranh ngai vàng. Thật là danh lợi ghê quá.

Theo như kinh sách phát triển, đạo Phật có chín vị giáo chủ:

1- Bảy vị Phật làm giáo chủ ở quá khứ như:

1, Tỳ Bà Thi (Vipassĩ.)

2, Thi Khí (Sikhĩ).

3, Tỳ Xá Bà (Vessabhũ)

4, Câu Lâu Tôn (Kakusandha)

5, Câu Na Hàm (Konãgamana)

6, Ca Diếp (Kassapa)

7, Cổ Phật Nhiên Đăng (Angira).

2- Một vị Phật, giáo chủ ở hiện tại tức là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

3- Một vị Phật, giáo chủ ở vị lai tức là đức Phật Di Lặc.

Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách phát triển nói đến rất nhiều. Đó là một thâm ý nham hiểm của các kinh sách phát triển, thành lập đức Phật Di Lặc để làm một cuộc cách mạng Phật giáo, lật đổ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc.

Hội Long Hoa, tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà thuộc kinh sách phát triển lãnh đạo. Khi đức Phật Di Lặc lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo thì toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu, tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị đốt sạch.

Kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến đức Phật Di Lặc, và các bậc Thánh Tăng đệ tử của đức Phật không có ai tên là Di Lặc. Đối với kinh sách Nguyên Thủy, tên Di Lặc là một tên xa lạ, vậy mà bây giờ sắp lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo! Xin quý vị phật tử suy ngẫm để khỏi lầm lạc.

Hội Long Hoa, được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử đức giáo chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu, dựa vào gốc kinh sách phát triển và tưởng ấm của con người thể hiện qua “cơ bút” cho biết ngày tận thế và Hội Long Hoa sắp mở bày.

Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này. Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại”. Quá khứ và vị lai không cần biết đến, chỉ làm mọi việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.

Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của những kinh sách phát triển, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới, lật đổ Phật giáo Nguyên Thủy. Nhưng vì thế lực Phật giáo Nguyên Thủy còn mạnh, cho nên họ không thể làm gì được.

Hiện nay, Phật giáo cả thế giới đều chấp nhận kinh sách phát triển là giáo pháp của Phật giáo. Đó là một bước thắng lợi thứ nhất của kinh sách này. Đến khi các sư Nam Tông, tức là các sư Phật giáo Nguyên Thủy, dần dần chịu ảnh hưởng giáo pháp của kinh sách phát triển và lần lượt các sư Nam Tông sẽ tu tập theo giáo pháp của kinh sách phát triển. (Ghi chú: Ngày nay các sư Miến Điện bắt đầu dạy thiền Nguyên Thủy giống như thiền Đông Độ. Sau một thời gian dạy (Tứ Niệm Xứ) quán thân, thọ, bây giờ các sư bắt đầu dạy quán tâm giống như Thiền Tông Trung Hoa) thì giáo pháp Nguyên Thủy sẽ bị đốn tận gốc. Lúc bấy giờ, người ta bảo rằng Hội Long Hoa ra đời thành lập Phật giáo mới và đức giáo chủ là đức Phật Di Lặc.

Đó là một thâm ý sâu sắc của kinh sách phát triển dựng lên đức Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc, mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, Nam Tông lẫn Bắc Tông, đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn giáo ngày xưa.

Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết soạn ra, rồi đưa vào kinh sách Phật giáo, mạo nhận Phật thuyết. Lợi dụng lúc Phật giáo kết tập kinh sách nhiều lần chưa thành văn bản, người ta đã tùy tiện thêm bớt thật dễ dàng. Cho nên người nghiên cứu kinh sách Phật giáo hiện nay gặp phải khó khăn là có nhiều bài kinh mâu thuẫn nhau, khiến chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả không phải Phật thuyết.

(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 7, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 252-255)


ĐẠI HỘI LONG HOA

Câu hỏi của Chơn Thành

HỎI: Hiện nay ở miền Bắc nước ta, có một số người nghe theo tuyên truyền Đại Hội Long Hoa. Họ cho rằng thời kỳ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết hạn ở thế gian. Đến năm hai ngàn là thời kỳ của đức Phật Di Lặc ra đời thay thế cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Kính thưa Thầy như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì hiểu như thế nào để không lạc vào con đường tà giáo, ngoại đạo và giúp cho mọi người ra khỏi con đường mê mờ này?

Có một số người tu theo đạo Phật nhiều năm mà đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời vì phải đi chùa này chùa nọ, làm công quả để tạo công đức này, công đức kia, bỏ cả việc làm ăn. Kính thưa Thầy, những người tu như vậy sẽ có lợi ích gì cho đời sống của họ và xã hội?

ĐÁP: Phần đông, các tu sĩ Phật giáo hiện giờ đều là đệ tử của đức Phật Di Lặc, họ tu theo giáo pháp phát triển, tức là giáo pháp của đức Phật Di Lặc, chứ đâu còn là giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những tu sĩ này gọi giáo pháp đó là giáo pháp Thanh Văn, Nhị Thừa, Duyên Giác, ngoại đạo. Họ đã bỏ giáo pháp này từ lâu, chứ đâu có đợi đến ngày Đại Hội Long Hoa, đức Phật Di Lặc ra đời rồi mới truyền giáo pháp này.

Họ tu theo giáo pháp phát triển của đức Phật Di Lặc từ khi chúng tỳ kheo chia ra làm hai bộ phái: Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Trước khi chia ra bộ phái, họ đã triển khai kinh sách phát triển vạch ra một đường lối tu mới, vì thế người ta không còn tu theo giáo pháp của đức Phật Thích Ca, chứ đâu phải đợi tới năm hai ngàn.

Chính lúc mới tám tuổi, khi xuất gia học đạo, chúng tôi cũng đều tu học theo giáo pháp của đức Phật Di Lặc, nỗ lực tu hành hơn 30 năm trời, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, nên đành phải bỏ pháp môn đó, trở lại tu pháp môn Duyên Giác, Thanh Văn, Nhị Thừa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng tôi mới thấy pháp xả tâm và giới luật của Thanh Văn thật là hữu hiệu, nhờ đó, trước tiên chúng tôi nhận được mình là một tu sĩ có đời sống đạo hạnh và thân tâm thường thanh thản, an lạc, vô sự tức là chúng tôi đã nếm được mùi vị giải thoát thật sự của đạo Phật, chừng ấy chúng tôi mới nhận thấy rõ đạo là đạo, đời là đời, không thể đạo đời lẫn lộn như pháp môn phát triển của đức Phật Di Lặc. Cách thức sống của các tu sĩ hiện giờ, đạo đời lẫn lộn khiến cho mọi người không biết đâu là đời sống đạo đúng và đâu là đời sống đạo không đúng. Cách thức sống của các tu sĩ Phật giáo hiện giờ cũng chạy theo vật chất thế gian, như người đời nên khó phân biệt, chỉ có phân biệt được là chiếc áo tu sĩ mà thôi.

Nếu muốn không lầm lạc vào tà giáo ngoại đạo thì quý vị nên lấy giới luật Phật quán xét giới tu sĩ, người tu sĩ nào sống đúng giới luật, có đầy đủ phạm hạnh là người sống và tu đúng pháp chơn chánh của đạo Phật, còn người tu sĩ nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo vật chất dục lạc thế gian là tu theo pháp phát triển và Thiền Đông Độ.

Người tu sĩ Phật giáo lấy giới luật làm Thầy như đức Phật Thích Ca đã di chúc: “Sau khi Ta nhập diệt, các Thầy tỳ kheo hãy lấy giới luật của Ta mà làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc. Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, giới luật Ta mất là đạo Ta mất”.

Dựa theo lời di chúc này, các vị tỳ kheo nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là đệ tử của ngoại đạo, tà giáo. Quý Phật tử không nên tu hành theo những vị tu sĩ này, vì có tu hành theo họ thì cũng chẳng tu đến đâu, đời chẳng ra đời và đạo cũng chẳng ra đạo. Nếu có tu cũng chỉ trở thành là một ông thầy danh, lợi mà thôi.

Nhờ cân nhắc về đức hạnh giới luật mà quý Phật tử tìm được một bậc Thầy chơn chánh và thoát khỏi những sự lừa đảo của những tà sư ngoại đạo, tu lầm lạc vào con đường mê mờ, u tối, loanh quanh trong các định tưởng.

Tóm lại, đạo Phật do đức Giáo Chủ Di Lặc hướng dẫn phần nhiều tu sĩ xem thường giới luật, nên đều phạm giới. Chính hình ảnh đức Phật Di Lặc là hình ảnh mất oai nghi tế hạnh của một tu sĩ chân chánh, mặc áo hở bụng ngực một cách thô lỗ không đúng đức hạnh của bậc thánh tăng.

Người tu sĩ phạm giới là người không có đức hạnh làm một vị thánh tăng, nên chúng ta dễ nhận xét con đường nào là con đường tu hành của Bà La Môn giáo và con đường nào là con đường tu hành theo Phật giáo.

Trong thời đức Phật còn tại thế, vấn đề làm công quả thì gần như không có. Vì là một Du Tăng Khất Sĩ sống rày đây mai đó, không ở chỗ nào quá lâu, nên vấn đề công quả không cần thiết. Mỗi tu sĩ đến giờ đi khất thực để sống ngày một bữa, nên dồn tất cả các thời gian rảnh rang vào tu tập và rèn luyện pháp hướng tâm.

Cho nên, một số người hiện giờ làm công quả từ chùa này đến chùa khác để tìm cầu sự giải thoát thì chắc chắn không bao giờ có được, chỉ uổng cho một đời tu hành bị người khác lừa đảo, làm công không cho họ mà họ không tốn tiền.

Làm công quả để được phước báo, điều này chúng ta dễ bị lừa. Bởi phước báo của đạo Phật là do chính mình ngăn ác, diệt ác pháp, hoặc ly dục, ly ác pháp thì phước báo sẽ đến với mình ngay liền tức khắc, còn làm công quả thì thân thể mệt nhọc, tâm sanh ra buồn ngủ; cơ thể mệt nhọc, tâm sanh buồn ngủ là trạng thái mất tỉnh thức, mất tỉnh thức tức là vô minh mà vô minh thì làm sao có phước báo được.

Người làm công quả thì không bao giờ tu hành được, nếu suốt đời làm công quả thì chỉ là một người làm công cho kẻ khác, chẳng ích lợi gì cho mình, chỉ là một người ngu mà thôi.

Khi bước vào đạo Phật còn chiếc áo của người cư sĩ, nghĩa là chưa thọ Giới luật thì lúc bây giờ chúng ta làm được những gì để giúp cho chư Tăng yên tâm tu hành, đó là gieo nhân tu hành cho chúng ta ở ngày mai, chứ không phải làm công quả để cầu phước báo đó là sai.

(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 8, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 265-270)


Chia sẻ trang này

(Số lượt xem bài: 539)

THÔNG TIN

CHÁNH PHẬT PHÁP NGUYÊN THỦY

[ Trang bảo tồn sách và các bài pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc ]

Website: chanhphatphap.com/net/org

Email: [email protected]

___

* Nguồn tư liệu trong trang này được tổng hợp từ các trang liên kết chánh pháp trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc lời dạy của Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc.