ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH TÂM BẤT ĐỘNG - THANH THẢN - AN LẠC - VÔ SỰ
Danh mục trang

TỔNG HỢP CÁC BÀI PHÁP

Kinh sách phát triển

Đạo Phật


KINH SÁCH PHÁT TRIỂN

HỎI: Kính thưa Thầy! Con có mấy quyển kinh như: Lương Hoàng Sám, kinh Phương Quảng, kinh Ðịa Tạng Vương, kinh Dược Sư, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, v.v… Những quyển kinh này chùa nào cũng có lịch tụng niệm hằng năm theo khóa lễ. Vậy những quyển kinh này có phải là kinh của đức Phật hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

ĐÁP: Những kinh sách mà con đã hỏi không phải do Phật thuyết, mà do các Tổ soạn viết ra sau này, theo kiến giải của từng bộ phái. Mỗi bộ phái khi được thành lập và trọn quyền nắm giữ bộ phái của mình, thì các Tổ biên soạn viết kinh sách theo sự vay mượn của giáo pháp ngoại đạo. Trong lúc đức Phật còn tại thế thì Ngài đã rống lên tiếng rống con sư tử, đập sạch các hệ tư tưởng lường gạt người bằng sáu mươi hai lý luận, làm chấn động cả đất trời (toàn thế giới).

Sau khi đức Phật tịch, không ai còn nắm được giềng mối, và quyền lãnh đạo Tăng đoàn thì đã bị các Tổ sư ngoại đạo vì danh, vì lợi nên phân chia Phật giáo làm 20 bộ phái. Mỗi người chiếm lĩnh một nơi, rồi soạn viết kinh sách theo sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo. Vì thế, kinh sách phát triển mà con đã kể ở trên, không phải là kinh sách của Phật mà là kinh sách của Bà La Môn, bị ngoại đạo phân hóa. Kinh sách ngoại đạo phân hóa ngày nay không còn mang tánh chất Phật giáo Nguyên Thủy, chỉ còn một số danh từ do đức Phật dạy mà thôi, nội dung toàn là của ngoại đạo.

Cho nên, từ khi Phật giáo chia ra làm nhiều bộ phái thì sự tu tập và đời sống đức hạnh của người tu sĩ không còn thấy nữa. Chỉ toàn là tu sĩ danh lợi, chạy theo thế giới siêu hình, cúng bái tụng niệm như trong các chùa, có lịch tụng niệm các kinh này hằng năm tháng để cầu an, cầu siêu cho tai qua, nạn khỏi… Ðó là kinh sách của ngoại đạo phát triển đã dạy mê tín không đúng đạo đức nhân quả, dạy những điều phi đạo đức. Các con hãy giữ lại, để làm kỷ niệm một thời vàng son của loại kinh sách này. Nó đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ người tu hành đi trên lộ trình mê tín và kết quả chỉ uổng một đời tu mà thôi, chẳng có gì. Phật giáo chỉ còn là cái tên, thực chất chẳng có gì là của Phật giáo cả.

(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 7, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 188-190)


NHỮNG KINH SÁCH MÊ TÍN

Câu hỏi của phật tử Luân

HỎI: Kính thưa Thầy, đạo Phật chủ trương phải tự cứu mình, tức là phải dùng sức tự lực của bản thân để ly dục ly ác pháp, không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, giải thoát sanh tử khổ đau luân hồi của kiếp người. Vậy thì, tại sao lại có các loại kinh Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Pháp Hoa, A Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan Bồn… dạy toàn tha lực, tức là lo tụng niệm van xin chư Phật, chư vị Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Già Lam, chư vị thiên thần gia hộ cho tai qua nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ hoặc tiếp dẫn hương linh về cõi Cực Lạc Tây Phương của đức Phật A Di Đà. Như vậy có quá mâu thuẫn không thưa Thầy, xin Thầy vạch rõ chỗ đúng sai để chúng con được biết.

ĐÁP: Kinh sách Đại Thừa phát triển là kinh sách chịu ảnh hưởng của Bà La Môn giáo, nhất là chịu ảnh hưởng của kinh sách Vệ Đà thuộc về tư tưởng văn minh Ấn Độ, nhưng khi truyền sang qua các nước lân cận thì nó lại tiếp thu những sự mê tín và lạc hậu của dân tộc các nước khác, nên kinh sách Đại Thừa là một loại kinh sách tập hợp nhiều tư tưởng và những phong tục tập quán của con người, có thể gọi kinh sách này là kinh sách bị thế tục hóa có nghĩa là khi nó truyền vào một thời kỳ nào của xã hội thì nó bị đồng hóa với xã hội đó.

Ví dụ: Kinh sách này truyền vào gặp thời phong kiến thì nó bị đồng hóa với thời phong kiến. Với tư bản thì nó bị đồng hóa với tư bản; với khoa học thì nó bị đồng hóa với khoa học.

Kinh sách Đại Thừa không có một đường lối riêng biệt chỉ là một sự vay mượn, một chiếc áo chấp vá nhiều miếng vải, cho nên nó chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ nhai lại bã mía của kẻ khác nhưng muốn nuốt cho trôi bã mía đó, tức là nó khéo dùng những danh từ để làm cho người khác khó nhận ra, tưởng đó là một giáo lý mới mẻ, nhưng không ngờ những người hiểu biết đã thấy rõ nó đi giẫm lại lối mòn của người xưa.

Vì thế, những danh từ Lương Hoàng Sám, Thủy Sám, Pháp Hoa, Viên Giác, Thủ Lăng Nghiêm, A Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan Bồn, Bát Dương, Thập Vương, Lăng Già, Hoa Nghiêm… Tất cả những loại kinh sách này là tư tưởng của ngoài đạo chứ không phải của Phật giáo, mà đã không phải của Phật giáo thì làm sao chúng ta cho Phật giáo có mâu thuẫn với Phật giáo được.

Chúng ta chỉ cần biết kinh sách này không làm lợi ích cho con người, nó chỉ là một mánh khóe lừa đảo con người làm những điều phi đạo đức và rất tai hại cho con người.

(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 6, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 191-194)


Chia sẻ trang này

(Số lượt xem bài: 169)

THÔNG TIN

CHÁNH PHẬT PHÁP NGUYÊN THỦY

[ Trang bảo tồn sách và các bài pháp của Trưởng lão Thích Thông Lạc ]

Website: chanhphatphap.com/net/org

Email: [email protected]

___

* Nguồn tư liệu trong trang này được tổng hợp từ các trang liên kết chánh pháp trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc lời dạy của Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc.