
Triết học và chân lí
Chơn Như, mùa an cư 2005
TRIẾT HỌC VÀ CHÂN LÍ
HỎI: Con thưa Thầy, vị thầy của con là thầy giáo nghiên cứu về triết học Mác – Lê nin và các trường phái triết học, nhưng mà đến lúc thầy nghiên cứu về Phật giáo thì thầy đọc sách không có hiểu. Con là học trò của thầy, con muốn thầy hiểu về chánh pháp của Phật, con đưa sách của Thầy cho thầy con đọc được không?
ĐÁP: Được chứ! Bởi vì Thầy muốn nghiên cứu về Phật giáo, nhưng mà thầy bây giờ thầy không có biết, cho nên con hãy đưa những sách nào để thầy nghiên cứu thầy biết Phật giáo, chứ gì?
Thí dụ như bây giờ, cái cuốn “Những Lời Gốc Phật Dạy – Tập 4” con đưa thì ông này ông nhận ra được cái triết lí của Phật giáo liền, cái chân lí của Phật giáo.
Trong cái triết lí thì nó có cái chân lí, mà trong cái triết lí mà nó thực hiện không đúng của loài người thì nó là triết lí, không thể nào là chân lí được. Mà trái lại triết lí của đạo Phật là chân lí của loài người, cho nên nói đâu nó đúng đó, nó không sai, cho nên nó thành ra cái chân lí, gọi là Bốn chân lí, Bốn sự thật là chân lí của đạo Phật.
Cho nên bây giờ cái cuốn này con đưa về ông thầy con ông đọc, trời đất ơi, Phật giáo như thế này. Chứ con đưa một đống kinh Đại thừa, ông nghiên cứu, ông không biết gì đâu.
– Ngày xưa thầy có nghiên cứu bên Đại thừa, thầy có nghiên cứu nhiều năm, đọc đi đọc lại về triết học Phật giáo mà thầy vẫn không có hiểu. Con muốn giúp thầy, thầy cũng chưa lớn tuổi thưa Thầy, liệu có được không?
– Được chứ con, Thầy nói thực sự những người muốn nghiên cứu về triết học này, triết học kia, người ta có cái tâm tìm hiểu và cái tâm muốn biết được những tư tưởng của con người trên hành tinh. Mấy người mà nghiên cứu, nhất là mấy nhà trí thức họ đều có tâm muốn biết triết học này, muốn biết triết học kia, muốn biết tư tưởng của loài người từ xưa đến giờ như thế nào, có hợp có đúng hay không.
Nhiều khi, nếu không có người hướng dẫn thì cái biết của họ nó mờ mịt lắm. Cho nên vì vậy mà trong lời của Phật dạy, muốn tìm hiểu thì cần phải có một người tu chứng, tức là chứng đạt được cái chân lí đó thì người đó sẽ dạy cho chúng ta biết được chân lí, làm cho chúng ta ngộ được chân lí, làm cho chúng ta biết cách để hộ trì và bảo vệ chân lí đó để mà chứng đạt được chân lí. Chỉ có người tu chứng là người đó sẽ hướng dẫn cho mình nghiên cứu, còn mình cứ lấy kinh sách mà mình nghiên cứu là mình bị lạc lầm hết, lạc đường hết, không có làm sao mà mình hiểu được. Bởi vì danh từ không thể nào trả lời cho mình được cái nghĩa của nó sát thực.
Mình đọc rồi tự mình nói, cái kiến thức của mình mình sẽ hiểu, nhưng mình lầm, cái danh từ đó mình lầm. Con đọc cuốn sách này, con sẽ biết có những danh từ mà người xưa đến giờ, toàn là các nhà học giả, đều là giải thích lầm. Chỉ có Thầy vạch ra được là tại vì Thầy là người tu Thầy mới hiểu, Thầy là người chứng Thầy mới hiểu. Nếu mà không chứng thì Thầy cũng hiểu cỡ họ mà thôi.
Các con cứ thấy những từ ở trong đó nó đơn giản lắm, nhưng mà người chứng người ta mới vạch ra được, còn người không chứng thì người ta hiểu nghĩa như vậy đó.
Cho nên vì vậy, con biết con thương thầy con, ông muốn tìm hiểu mà giờ ông đâu có biết sách nào đâu. Ông đâu phải là đệ tử của Phật hoặc ông xuất gia ông tu đâu, nhưng mà Thầy nói thật sự bây giờ ông có xuất gia ông tu đi nữa, ông cũng không biết cách nghiên cứu. Phải đi tìm được một người, mấy con là những người may mắn lắm đó, gặp Thầy, Thầy mới vạch ra, chứ nếu cỡ mà mấy con không gặp Thầy mấy con cũng chẳng biết đường đâu mà Phật giáo đúng hay sai nữa. Mấy con cũng sẽ lạc lầm trên con đường nghiên cứu về tôn giáo và cái chân lí nào đúng, chân lí nào sai.
Bây giờ mấy con nghe “chân lí” thì mấy con nghe những danh từ đó, và cái triết học đó người ta nói cái chân lí, mấy con cũng tin là chân lí, nhưng không biết làm sao mà cái này không phải chân lí thì mấy con chưa biết, luận như thế nào để nói nó là không phải.
Cũng như bây giờ người ta đưa triết học Mác – Lê nin lên người ta nói, đây là chân lí thì mấy con cũng phải tin nữa. Đây là vật chất rõ ràng, người ta nói quá cụ thể mà, mấy con làm sao biết? Nhưng mà bên trong đó nó có những phần người ta không giải thích được. Các con hiểu chưa?
Cho nên, trừ ra có những người tu xong rồi, người ta chứng rồi, không có gì dấu người ta được hết, không có triết học nào giấu được hết. À, bây giờ nói cái đó đúng, Thầy vạch ra cái thấy sai liền. Cái triết học nào mà nói cái triết học này đúng, nhưng mà Thầy không vạch thôi, mà Thầy vạch ra thì người ta sẽ thấy cái triết học đó còn sai.
Con thấy kinh Thủ Lăng Nghiêm từ lâu tới giờ người ta nói đúng chứ gì? Người ta nói tánh thấy, tánh nghe, nhưng mà Thầy vạch ra thì người ta thấy kinh Thủ Lăng Nghiêm sai, có phải không? Ai cũng thấy là đúng rồi, nhưng mà tới chừng Thầy vạch ra thì người ta thấy rõ ràng là kinh này còn sai, chứ chưa đúng.
Bởi vậy Thầy nói, trên đời chỉ có người mà người ta đã thực hiện được sự giải thoát của người ta, người ta có đủ cái trí tuệ đó, bằng cách người ta phải có Tam Minh. Không có Tam Minh thì không thể nào hiểu được hết. Bởi vì có Tam Minh như thế nào?
Là tại vì người ta muốn biết sau thời gian và không gian xa như vậy, người ta muốn biết là biết, còn mấy con muốn biết cái không gian mênh mông như thế này, vô cực như thế này, mấy con làm sao đủ khả năng mà biết ở trong không gian vô cùng, vô tận này. Mấy con làm sao biết? Làm sao mấy con xác định được. Còn thời gian từ quá khứ, cho đến tương lai về sau, hàng triệu triệu năm về sau mấy con làm sao biết, nhưng mà người ta có đủ khả năng đó người ta biết được hàng triệu triệu năm về tương lai và hàng triệu triệu năm về quá khứ.
Người ta có trí như vậy. Cho nên vì vậy nhà triết học đưa ra cái triết học đó, ông ta cũng là người thông minh, nhưng mà ông thông minh ông cũng còn ở trong cái tưởng của ông thôi, chứ làm sao ông biết được, ông đâu có đủ Tam Minh mà ông nói cho đúng, cho nên chỉ có đức Phật nói đúng, là tại vì đức Phật có Tam Minh.
Nếu đức Phật không có chứng Tam Minh, đức Phật chưa đem ra được chân lí Khổ – Tập – Diệt – Đạo này, cho nên Thầy xác định là trước đức Phật chưa có đức Phật. Có đức Phật sao không nói Tứ Diệu Đế? Đợi cho đức Phật Thích Ca giảng bài pháp đầu tiên nói Tứ Diệu Đế, tức là nói Bốn sự thật, tức là Chân lí, thì các con thấy, ai nói cái này? – Chỉ duy nhất có đức Phật Thích Ca mà thôi. Có ông Phật nào nói đâu, vậy mà nói có 7 đời đức Phật quá khứ. Rồi tương lai có ông Phật nào nói cái chân lí nào khác đây? Ông Phật Di Lặc có nói cái chân lí khác không? Hay là cũng nhẫm lại của ông Phật Thích Ca. Dám gọi là Giáo chủ đương lai hạ sanh Di Lặc, người ta dựng lên một cái rất là sai lệch, không đúng.
Con người chỉ còn có một chân lí này thôi chứ không còn chân lí nào khác hết. Bốn sự thật này của con người, trừ ra chúng ta không làm con người nữa thì nó không phải là chân lí của chúng ta, có vậy thôi. Cho nên, Thầy nói chân lí này là của loài người, còn cái khác của xứ khác, ở đâu đem về đó chứ ở đây không có những thứ đó.
– Dạ thưa Thầy, cho con hỏi bên đạo Phật giáo Hòa Hảo thưa Thầy, có Đức thầy Tây An gì đó thưa Thầy, người ta nói có Đức Phật, Bồ tát chuyển kiếp lên thầy Tây An thưa Thầy?
– Đức Phật nào mà chuyển kiếp đây. Mấy người tưởng ra, chứ mấy người biết sao? Bây giờ mấy người biết ông Phật nào chuyển kiếp lên thành ông thầy Tây An đây, mấy người chỉ đi, mấy người đến gặp đi rồi mấy người về nói, hay là ông đó ông đặt điều ông nói rồi con cũng bắt chước rồi người khác cũng bắt chước, bao nhiêu người mù mà nối đuôi nhau mà nói cái chuyện mơ hồ vậy. Con thấy trong cuốn này nó có nói chưa? Có phải không?
– Dạ thưa Thầy, chỉ duy nhất có đức Phật Thích Ca chứ không có ai nữa phải không?
– Không có ai, không có người nào hết, bởi vì ông đó là người nói Bốn Sự thật của con người rồi, chứ không còn người khác nói được nữa.
– Dạ thưa Thầy, có đoạn kinh nói, mỗi lần hình thành quả Đất thì lại có 4 vị Phật hoặc có 2 hoặc 1 vị Phật ra đời. Người ta nói trên quả Đất này có 4 vị Phật ra đời.
– Bốn vị Phật ra đời, nhưng Thầy thấy có một ông, tại vì ông đó ông nói Bốn Chân lí thì 4 vị Phật kia chắc chưa biết chân lí thì làm sao gọi là Phật.
Cái người mà nói ra cái sự thật của con người thì người đó mới gọi là Phật. Mà trên hành tinh này nếu nói có 4 vị Phật, mà họ đã nói rồi thì ông Phật Thích Ca cần gì phải nói, thì như vậy thì vị Phật nào là vị Phật nói trước? Bây giờ tìm ra coi thử xem, mà bây giờ trên hành tinh của chúng ta thì chúng ta biết có lịch sử rõ ràng thì chỉ có ông Phật Thích Ca thôi, không có ai hết. Mà tại sao dám nói ông Phật Thích Ca là chuyển pháp luân lần đầu tiên nói Tứ Diệu Đế. Con nghe bài Tứ Diệu Đế là chuyển pháp luân lần đầu tiên, nghĩa là từ khi tu chứng mới nói pháp lần đầu tiên cái bài pháp đó, đem cái sự thật ra nói.
Thầy nói đúng là ông Phật Thích Ca mới dám nói cái điều này, đập thiên hạ tan nát hết. Tứ diệu đế là bốn sự thật của con người rồi. Mà năm anh em Kiều Trần Như không phải là những tay thường đâu, năm người này cũng là những người học giả kiến thức sâu rộng lắm, cũng bỏ cuộc đời đi tu, vừa là ủng hộ Phật mà cũng là vừa theo dõi từng chút chứ không phải không đâu. Nhưng mà khi đức Phật thuyết giảng Tứ Diệu Đế rồi thì năm anh em Kiều Trần Như này không còn mở cửa miệng nào mà nói sai được. Chứ mà nếu nói sai họ dập liền chứ đừng nói chuyện, họ không thua đức Phật đâu. Có phải không? Chống liền đó! Nói sự thật đàng hoàng không chối cãi được. Còn bây giờ mình giải thích như thế nào?
Nói Khổ đế, nói “Biệt ly khổ”, nói cái nhánh nhóc chứ nói cái gì đâu. Một đứa bé mới sanh ra nó có biệt ly đâu mà nó khổ, nó có biết khổ chổ đó không? Nói vậy thì có chân lí không? Có phải không, mấy con nghe ở trong đó nói biệt ly khổ chứ gì !? Rồi “Oán tằng hội khổ”, con nít mới sanh ra nó oán ai mà nó khổ, mấy người nói cái chuyện… Có không? Mình ở đời mình sống với nhau, mình giận hờn, mình tức giận, mình oán thù với nhau mới có khổ đấy chứ, còn con nít mới sanh ra làm sao nó khổ?
Cho nên, Khổng Tử cũng lầm, bởi nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, con người mới sinh ra là thiện chứ gì? Thiện ở đâu mà khát sữa mà la khóc um xùm mà thiện!? Phải không? Thiện thì nằm yên đó chứ, tới giờ người ta cho ăn cho uống mà tại sao đòi dữ vậy, thiện ở chỗ nào đâu? Cho nên, Khổng Tử vẫn còn lầm, không đúng. Mà ai cũng coi ông Khổng Tử là Thánh chứ gì? Nhưng mà vẫn sai chứ đâu phải đúng.
Là con người mà làm sao không sai? Nhưng mà đến Bốn chân lí của đạo Phật, dám nói sai không? Mà Thầy giải thích ai dám nói sai không? Còn các thầy Đại Thừa giải thích nào là biệt ly khổ, oán tằng hội khổ,… Thầy nói sai! Tui tới giờ tui có oán thù ai đâu mà nói khổ, tui có khổ đó đâu mà nói chân lí đó của tui, có phải không mấy con? Như vậy sai!
Nhưng mà Thầy nói: “Tham sân si là khổ”, thì bây giờ Thầy có gì đi nữa Thầy cũng biết Thầy còn tham chứ chưa hết. Mà ai cũng có tham sân si hết, đừng nói là không người nào nói tui không có tham sân si. Trừ ra một người tu hết tham sân si nó mới hết, chứ hễ nó là con người thì người nào cũng có. Đó là chân lí rồi, không có còn chối cãi được, dù là một đứa bé nhỏ để Thầy xác định chỉ cho có tham sân si, rồi tới ông già gần chết Thầy cũng chỉ cho chỗ tham sân si. Phải không? Mấy con thấy đó là chân lí rồi, thành ra không ai chối cãi được! Không có người nào nói cái này sai được.
Cũng như nói có tánh thấy, tánh biết, tánh nghe là cái chân lí rồi, Phật tánh rồi. Thầy nói ngủ sao nó không biết? Thành ra Thầy lật ra cái rồi thành ra người ta chán ngán, ơ trời đất ơi không lẽ Phật sao nó còn ngu vậy, ngủ mà nó không biết, ăn trộm vô lấy đồ không biết gì hết, Phật cũng ngủ theo à?
Các con thấy, cái luận của người xưa thì người ta luận một chiều, nhưng mình không đủ cái trí tuệ để mình vén mở cái sai của họ ra, cho nên mình thấy đúng.
Người ta coi trọng kinh Thủ lăng Nghiêm ghê gớm lắm, người ta còn huyền thoại cái quý báu đó nữa, thậm chí nhà vua không có cho lưu hành cái quý báu này ra. Cho nên ông sư này muốn đem kinh này ra thì ông phải xẻ bắp đùi nhét cuốn kinh trong đó, ông vá lại, ông đi qua nước đó, ông mới được bộ kinh. Trời ơi, ông dám hy sinh cái kiểu này làm sao vật quý báu này mà không quý. Con nghe câu chuyện kinh Thủ Lăng Nghiêm chưa? Trời đất ơi, nó huyền thoại câu chuyện ghê gớm, mà nói Phật tánh, Phật này kia,… trời ơi nghe đúng lắm. Lý luận như thế này, mấy con thấy nó lý luận người ta không chê được.
Ông Phật bảo ông Anan đánh tiếng chuông, hỏi ông có nghe không? – Có nghe. Khi không đánh, hỏi ông có nghe không? – Không có nghe.
Ông Phật mới nói, ông điên đảo sao? Khi không đánh thì cái nghe cũng vẫn nghe chứ? Còn tiếng chuông nó có kêu hay không kêu là do đánh nó có thôi chứ còn cái nghe ông luôn luôn chứ.
Trời ơi nghe như vậy là thường hằng quá rồi. Hay quá, hay quá! Thế là Phật tánh nó phải thường hằng chứ? Nó bất biến chứ? Nhưng mà không ngờ Thầy vạch ra, khi ngủ mê thì không biết nó đâu mất, chừng đó nó đổ vỡ ông liền. Chớ phải mà không có kẽ hở đó thì chắc chắn là làm sao Thầy vạch ra được?
Đó thì mấy con thấy, Thầy nói cái triết học nào đi chăng nữa cũng là triết học. Cái triết học Tánh không để chỉ cho tánh thấy, tánh biết, tánh nghe chứ không có gì, nhưng mà Thầy vạch ra một cái là đổ vỡ hết kinh sách đó hết.
– Thưa Thầy, con có thắc mắc, đọc sách của Thầy con thấy câu chuyện Mục Liên Thanh Đề cứu mẹ thưa Thầy, Thầy nói như vậy là không có. Thầy nói luôn là Quan Âm Thị Kính cũng không có. Hai vấn đề đó là giả hết thưa Thầy?
– Lẽ đương nhiên là cái sự tranh luận ở trên mạng về Mục Liên Thanh Đề cũng nhiều lắm mấy con, nhưng mà vẫn bị đập thôi. Tại vì sai!
– Thưa Thầy, dựng chuyện lên hết thưa Thầy?
– Dựng chuyện lên hết!
– …
– Lâu lâu các con về gặp Thầy nói chuyện, vậy mà làm các con có minh lắm đấy, không phải vô minh đâu nha, Thầy không bao giờ nói chuyện không ích lợi đâu.
(Mùa An Cư, 071-(MuaAnCu2005-A)-VanDao-TrietHoc&ChanLy.mp3, phút thứ 0:00 – 15:19)